Alphabet – Tên công ty mẹ của Google

Alphabet là công ty nào trong hệ thống các công ty của Google?
Google-alphabet

Cấu trúc công ty mới của Alphabet

Năm 2015 Google đã khuấy động thế giới công nghệ với một đợt tái cấu trúc lớn. Theo đó Google mà chúng ta biết từ trước đến nay sẽ đổi thành công ty mẹ Alphabet, còn cái tên “Google” giờ chỉ dùng để chỉ một công ty con với các mảng kinh doanh cốt lõi như Search, Android, YouTube, Chrome, Gmail, Google+… Các công ty khác cùng nằm dưới sự quản lý của Alphabet bao gồm những đơn vị mà Google từng thành lập trước đây, chẳng hạn như Calico (dự án kéo dài tuổi thọ), Wing (công ty giao hàng bằng drone), Life Sciences (kính sát tròng đo đường máu) và nhiều cái tên khác. Vậy điều này có ý nghĩa như thế nào?

Google không phải là công ty công nghệ duy nhất tái cấu trúc để hoạt động hiệu quả hơn. Trước đây Microsoft, IBM, AT&T hay General Electrics cũng đều trải qua những giai đoạn như thế này, và tất cả đều nhắm đến mục tiêu phát triển bền vững trong khi vẫn duy trì sức sáng tạo và không để những ý tưởng thất bại giết chết mình. Ở bề nổi, sự khác biệt giữa Google mới và cũ chỉ nằm ở cái tên. Nhưng thật sự thì mọi thứ phức tạp hơn khá nhiều, và nó có thể thay đổi hoàn toàn tương lai của Google.

Sau khi tái cấu trúc xong, chúng ta có thể xem Alphabet bao gồm 2 nửa: nửa đầu tiên là Google, chính là “con bò sữa” kiếm tiền từ những sản phẩm mà chúng ta đã quen thuộc: Android, Search, Gmail, YouTube… Nửa thứ hai là những dự án đầy táo bạo và tham vọng của Google, ví dụ như Calico, Wing hay Life Sciences đã nói đến ở trên. Nửa thứ hai sẽ dùng tiền từ nửa thứ nhất để hoạt động do thời gian đầu nửa thứ hai chưa có doanh thu đáng kể, lại phải bỏ nhiều tiền nghiên cứu và phát triển. Và theo mô hình này thì chúng ta có thể xem nửa thứ hai như là một tập đoàn mạo hiểm.

Một trong những lý do mà Google quyết định tái cấu trúc là để “xoa dịu” các nhà đầu tư. Những nhà đầu tư phố Wall chưa bao giờ thích các dự án táo bạo của Google. Trong những đợt họp cổ đông, nhiều người đã thẳng thắng bày tỏ sự phản đối của mình với những dự án này do chúng ngốn quá nhiều tiền nghiên cứu và phát triển, và số tiền này lại được báo cáo chung trong báo cáo tài chính của Google.

Còn trong thời gian tới, Google nói rằng sẽ có 2 bộ báo cáo riêng biệt: một bộ của công ty con Google, bộ còn lại là báo cáo hợp nhất của công ty mẹ Alphabetic. Như vậy thì bộ của Google sẽ không phản ánh những khoản tiền R&D khổng lồ chi cho những dự án “điên rồ” nữa, mà số liệu đó sẽ chuyển về Alphabet. Và bởi vì Google đã đứng riêng nên việc những công ty con khác thành công hay thất bại là tùy thuộc vào bản thân chúng. Ví dụ, nếu Calico thất bại và phải đóng cửa thì cũng không ảnh hưởng đến Google mới.

Quay trở lại với nửa thứ hai, do đây là những dự án mới mẻ và có phần “điên rồ” nên không ai chắc chắn là chúng sẽ thành công cả. Hay nói cách khác, đây là một tập hợp những công ty khởi nghiệp (startup) đầy tính mạo hiểm. Nếu chúng thành công, chúng sẽ có nhiều lựa chọn về mặt tài chính để tiếp tục phát triển theo hướng của riêng mình. Còn nếu thất bại, bản thân mỗi công ty sẽ phải tự giải quyết để xử lý các vấn đề liên quan.

Lấy ví dụ như dự án xe tự hành của Google. Có thể vào một ngày nào đó trong tương lai nó sẽ mang lại lợi nhuận lớn, nhưng nó không có nhiều điểm chung với Search, Android, YouTube, và cũng khiến các cổ đông của Google trở nên e dè khi cần thông qua một quyết định nào đó liên quan. Còn khi mảng xe tự hành tách ra, nếu Alphabet muốn làm gì đó với mảng xe tự hành thì các nhà đầu tư sẽ bớt lo lắng hơn. Alphabet cũng có thể đi kiếm thêm các nguồn quỹ khác nếu cần, thậm chí đổi một ít cổ phần của “Google Auto” để lấy tiền mặt hay các mối quan hệ chiến lược.

Nếu mảng xe còn nằm trong Google như cũ thì Google không cách nào đổi cổ phần như đã nói ở trên, bởi không phải nhà đầu tư nào muốn đổ tiền vào Auto cũng đồng ý đổ tiền vào mảng quảng cáo truyền thống. Và một khi mảng xe đã thành công, “Google Auto” có thể tự mình lên sàn chứng khoán (IPO), lợi nhuận thì vẫn chuyển về công ty mẹ và như vậy thì các cổ đông của Google vẫn được lợi do cổ phiếu Google sắp tới sẽ được chuyển thành cổ phiếu Alphabet.

Xét về mặt quản lý, việc tách riêng cũng giúp Google phát huy tốt hơn tiềm năng của các nhân tài mà hãng đã tuyển. Người chịu trách nhiệm Google Auto giờ đây nắm trong tay mình cả một công ty riêng, có thể thoải mái tung hoàng ngang dọc và thử nghiệm các ý tưởng một cách dễ dàng hơn so với khi Auto còn là dự án nhỏ nằm trong bộ máy Google đồ sộ. Nhân viên khi đó cũng có thể ghi tiêu đề của họ là “CEO công ty Google Auto” thay vì “Quản lý nhóm Google Auto”, và điều này ảnh hưởng rất nhiều nếu họ muốn tiếp tục phát triển sự nghiệp tại các công ty khác sau khi nghỉ việc ở Google.

Tất nhiên, việc gì cũng có những mặt hạn chế. Việc tách riêng như thế này có thể khiến một số dự án trở nên phức tạp hơn, điển hình như Google Fiber. Dịch vụ cung cấp Internet cáp quang này không hẳn là một dự án “điên rồ”, cũng chưa chứng tỏ mình là một “con bò sữa” có thể vắt ra dòng tiền ổn định. Việc lắp đặt, vận hành cáp quang cũng đắt tiền hơn so với việc phát triển một nguyên mẫu bóng bay hay kính sát tròng. Lúc còn ở chung với Google, chúng ta có thể xem Fiber như một “dịch vụ” bổ sung có thể giúp Google phát triển hơn. Cáp quang tốc độ cao sẽ giúp người dùng Google Search nhiều hơn, tăng thời gian xem YouTube, gọi điện Hangouts nhiều hơn… Còn bây giờ, khi Fiber đã nằm riêng thì hãng sẽ phải mất công sức nhiều hơn để chứng tỏ sự tồn tại của mình là có ý nghĩa.

Mặc dù vậy, việc tách riêng của Google có vẻ như sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn. Tách bạch về mặt tài chính, nâng cao quyền quản lý cho các công ty con, lại khiến các nhà đầu tư đã lo lắng hơn. Alphabet cũng không lo chuyện một nhà đầu tư có cổ phần lớn sẽ ra lệnh đóng cửa các dự án “điên rồ” vì giờ đây chúng đã trở thành các công ty riêng rồi. Còn sự thật Google có thành công với mô hình này hay không thì phải còn chờ thời gian trả lời.

(Nguồn tinhte.vn)

Contact Me on Zalo